Hệ thống báo cháy địa chỉ và những điều bạn chưa chắc đã biết

Quá trình làm việc của hệ thống báo cháy địa chỉ là một tổ hợp gồm nhiều thiết bị khác nhau đảm nhận nhiều nhiệm vụ để mang đến sự đồng nhất trong quá trình báo cháy cho cả hệ thống sau khi lắp đặt. Với một chu kì khép kính từ khi đầu báo cháy có tín hiệu truyền về trung tâm, các thiết bị trong hệ thống được kết nối với nhau theo một trình tự thiết kế khoa học dưới đây là những “công việc” mà hệ thống báo cháy địa chỉ thực hiện mà bạn chưa chắc đã biết.

Hệ thống báo cháy địa chỉ và những điều bạn chưa chắc đã biết

Nhiệm vụ các bộ phận chính của hệ thống báo cháy tự động theo địa chỉ

a. Trung tâm báo cháy địa chỉ

– Ngoài các chức năng thông thường như các trung tâm báo cháy theo vùng, trung tâm báo cháy địa chỉ có ưu việt hơn trung tâm báo cháy theo vùng ở nhiều chức năng, như: Các thông tin của hệ thống được hiển thị trên màn hình tinh thể lỏng LCD, nối mạng hệ thống, kiểm tra các thông số của hệ thống, kích hoạt hoặc cách ly các địa chỉ khi cần thiết, kết nối với máy tính để giám sát hệ thống dễ dàng, kết nối được nhiều loại thiết bị ngoại vi…

b. Module tạo địa chỉ cho đầu báo cháy thường, nút ấn báo cháy

– Module tạo địa chỉ cho đầu báo cháy thường, nút ấn báo cháy là thiết bị tạo địa chỉ cho các đầu báo thường hoặc nút ấn báo cháy khi các thiết bị trên muốn kết nối với trung tâm báo cháy theo địa chỉ.

– Module tạo địa chỉ cho đầu báo cháy thường, nút ấn báo cháy có thể là loại 1 đường hoặc 4 đường (tương ứng 1 hoặc 4 địa chỉ riêng biệt). Tùy từng loại modul mà có thể kết nối từ 10 đến 40 đầu báo cháy thường cho một địa chỉ.

c. Đầu báo cháy địa chỉ

– Ngoài các chức năng thông thường, đầu báo cháy địa chỉ cho phép thay đổi ngưỡng làm việc theo yêu cầu của người thiết kế, lắp đặt, có khả năng tự động kiểm tra các thông số môi trường.

d. Module cách ly sự cố ngắn mạch

– Do tất cả các thiết bị chính của hệ thống báo cháy địa chỉ sử dụng chung một đôi dây nên trong trường hợp ngắn mạch đường dây sẽ gây hư hỏng hệ thống. Vì vậy, modul cách ly sự cố ngắn mạch có nhiệm vụ cô lập vùng ngắn mạch trên đường truyền tín hiệu chính để không bị ảnh hưởng tới sự làm việc chung của hệ thống và các địa chỉ trong đoạn mạch khác.

– Modul cách ly sự cố ngắn mạch cũng được nối thẳng với mạch tín hiệu chính của hệ thống nhằm tạo thành nhiều đoạn mạch khác nhau trên mạch tín hiệu chính. Số lượng của Modul cách ly ngắn mạch trong một hệ thống báo cháy địa chỉ càng nhiều càng tốt nhưng tối thiểu phải có từ ba modul trở lên.

Nguyên lý làm việc của hệ thống báo cháy tự động theo địa chỉ

– Module điều khiển thiết bị ngoại vi là thiết bị có nhiệm vụ tạo ra tín hiệu để điều khiển các thiết bị ngoại vi trong hệ thống báo cháy tự động theo địa chỉ.

Hệ thống báo cháy tự động theo địa chỉ có 4 trạng thái làm việc:

– Trạng thái thường trực.

– Trạng thái báo cháy.

– Trạng thái sự cố.

– Trạng thái báo thiết bị cần giám sát thay đổi trạng thái khác.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống báo cháy tự động theo địa chỉ

– Bình thường toàn bộ hệ thống ở chế độ thường trực. Ở chế độ này trung tâm lần lượt phát tín hiệu kiểm tra đến các thiết bị trong hệ thống đồng thời các đầu báo cháy địa chỉ, module địa chỉ,… cũng có tín hiệu hồi đáp về trung tâm. Định kỳ, theo thời gian (tùy đặt) trung tâm sẽ in tình trạng hệ thống và các thông tin các thiết bị cần bảo dưỡng.

– Trong chế độ giám sát nếu trung tâm nhận được tín hiệu báo lỗi từ các thiết bị hoặc không nhận được tín hiệu hồi đáp từ các thiết bị thì trung tâm sẽ chuyển sang chế độ sự cố. Mọi thông tin về sự cố sẽ được hiển thị trên màn hình tinh thể lỏng LCD. Khi lỗi được khắc phục chế độ sự cố sẽ kết thúc và tự động đưa hệ thống về chế độ giám sát bình thường.

– Khi xảy ra cháy ở các khu vực bảo vệ, các yếu tố môi trường sự cháy (nhiệt độ, khói, ánh sáng) thay đổi sẽ tác động lên các đầu báo cháy. Khi các yếu tố này đạt tới ngưỡng làm việc thì các đầu báo sẽ làm việc tạo ra tín hiệu truyền về trung tâm (gồm tín hiệu báo cháy và tín hiệu báo địa chỉ của thiết bị báo cháy). Tại trung tâm báo cháy sẽ diễn ra các hoạt động xử lý tín hiệu truyền về theo chương trình đã cài đặt để đưa ra tín hiệu thông báo khu vực cháy qua loa tại trung tâm và màn hình tinh thể lỏng LCD. Đồng thời các thiết bị ngoại vi tương ứng sẽ được kích hoạt hoạt động để phát tín hiệu báo động cháy hoặc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.

– Trong trường hợp trung tâm báo cháy có cài đặt thêm chức năng giám sát các thiết bị khác, thì khi có sự thay đổi về trạng thái của thiết bị (Ví dụ: bơm chữa cháy hoạt động, công tắc dòng chảy hoạt động…) thì hệ thống sẽ chuyển sang chế độ thông báo thiết bị cần giám sát thay đổi trạng thái. Thông tin về sự thay đổi này sẽ được hiển thị trên màn hinh tinh thể lỏng của trung tâm. Chế độ này cũng sẽ tự kết thúc nếu các thiết bị cần giám sát trở về vị trí bình thường.

Địa chỉ và zone trên hệ thống báo cháy

Vì tất cả các thiết bị chính của hệ thống đều được nối tới đường dây tín hiệu chính nên để phân biệt giữa các thiết bị khác nhau, mỗi thiết bị chính đều phải có một số định danh duy nhất trên toàn bộ hệ thống báo cháy địa chỉ. Số định danh này gọi là địa chỉ của thiết bị đó.

Khái niệm “zone” trong hệ thống báo cháy địa chỉ được sử dụng để nhóm các thiết bị bên trong hệ thống chung một đặc điểm nào đó như có cùng khu vực bảo vệ, cùng sử dụng để điều khiển một thiết bị ngoại vi nào đó… Khái niệm này khống hoàn toàn giống với zone (vùng, kênh) của hệ thống báo cháy tự động theo vùng đã được phân định rõ ràng theo đường dây khác nhau.

Mỗi thiết bị đầu vào hoặc đầu ra đều có địa chỉ và đều được phân nhóm trong các zone xác định. Tuy nhiên một thiết bị đậu vào hoặc đầu ra chỉ có một địa chỉ duy nhất nhưng có thể thuộc nhiều zone khác nhau.

Liên kết giữa các thiết bị đầu vào và đầu ra được thực hiện theo zone. Tức là khi có một thiết bị đầu vào truyền tín hiệu về trung tâm báo cháy thì trung tâm sẽ kích hoạt tất cả các thiết bị đầu ra có cùng zone với thiết bị đầu vào và đang báo cháy.

Dữ liệu cấu hình của hệ thống báo cháy địa chỉ

Sau khi lắp đặt phần cứng của hệ thống, gồm: trung tâm báo cháy, các đầu báo cháy, nút ấn báo cháy, cac modul địa chỉ, các thiết bị ngoại vi, hệ thống dây, cáp tín hiệu,… hệ thống báo cháy tự động theo địa chỉ cần phải được cài đặt dữ liệu cấu hình (phần mềm) cho hệ thống để phù hợp với từng khu vực và mục đích điều khiển.

Dữ liệu cấu hình có thể được lập trình trên máy vi tính bằng các phần mềm chuyên dụng, sau đó được nạp vào trung tâm báo cháy hoặc có thể được lập trình trực tiếp tại trung tâm báo cháy ngay trong quá trình lắp đặt.

Dữ liệu cấu hình có thể được tải xuống trong khi hệ thống đang hoạt động để sửa chữa, thay đổi các thông tin về khu vực báo cháy trong trường hợp mục đích sử dụng của công trình bị thay đổi hoặc trong trường hợp cần sửa chữa, bổ sung, mở rộng hệ thống…

Chương trình quản lý hệ thống báo cháy tự động theo địa chỉ trên máy tính

Chương trình theo dõi, quản lý hệ thống báo cháy tự động theo địa chỉ là một phần mềm chuyên dụng được cài đặt trên máy vi tính cá nhân. Bằng cách nối máy tính với mạng các hệ thống báo cháy thông qua khối giao diện mạng (NIU- Net- work Interface Unit), chương trình theo dõi, quản lý hệ thống có thể giao tiếp với các trung tâm báo cháy ở trên mạng.

Chương trình theo dõi, quản lý hệ thống báo cháy địa chỉ có các chức năng hiển thị bằng đồ họa các sự kiện xảy ra trên mạng các hệ thống báo cháy địa chỉ và có thể thực hiện các chức năng hồi phục hệ thống (System Reset), tắt chuông (Silence) và xác nhận tình trạng nào đó (Acknowledge)… cho trung tâm báo cháy địa chỉ.

Trên đây là tổng hợp đầy đủ nhất về công việc của một hệ thống báo cháy địa chỉ khi thực hiện công tác báo cháy gồm những điểm gì mà chúng tôi muốn gửi đến bạn. Theo dõi chuyên mục của chúng tôi thường xuyên để cập nhật những thông tin bổ ích khác về các thiết bị báo cháy Hochiki nói riếng và các thiết bị báo cháy khác nói chung nhé!